Các chất lỏng trên ô tô cần kiểm tra và thay thế định

Thứ 6, 05/07/2024

Administrator

207

Thứ 6, 05/07/2024

Administrator

207

CÁC CHẤT LỎNG TRÊN Ô TÔ CẦN KIỂM TRA VÀ THAY THẾ ĐỊNH KỲ

Việc bảo dưỡng ô tô không chỉ bao gồm việc kiểm tra và thay thế các bộ phận cơ khí mà còn liên quan đến việc duy trì các chất lỏng quan trọng đảm bảo hoạt động ổn định và bền bỉ của xe. Nhiều lái xe thường bỏ qua hoặc quên việc bảo dưỡng định kỳ các loại chất lỏng cần thiết, điều này có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng như hư hỏng động cơ, giảm hiệu suất hoạt động, và tăng nguy cơ tai nạn. Hãy cùng Gartz tìm hiểu về các loại chất lỏng trên ô tô cần kiểm tra và thay thế định kỳ  để có thể áp dụng ngay nhé.

1. Tại sao các chất lỏng trên ô tô lại quan trọng?

Các chất lỏng trên ô tô đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động mượt mà và bền bỉ của xe. Chúng không chỉ giúp bôi trơn các bộ phận chuyển động, giảm ma sát để bảo vệ khỏi hao mòn mà còn đảm bảo các bộ phận không bị quá nhiệt, từ đó ngăn ngừa hư hỏng nghiêm trọng.

2. Những hiểu lầm về việc thay thế định kỳ các chất lỏng 

Nhiều lái xe thường bỏ qua hoặc quên đi việc bảo dưỡng định kỳ các loại chất lỏng cho ô tô. Vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, các loại chất lỏng đều tương tự nhau và không cần phải quan tâm đến thay thế định kỳ, việc thay nhiều loại sẽ làm tăng chi phí và không cần thiết.

Tuy nhiên, thực tế là mỗi loại chất lỏng như dầu động cơ, dầu hộp số, nước làm mát và dầu phanh đều có chức năng và yêu cầu riêng biệt. Việc thay thế định kỳ giúp duy trì hiệu suất hoạt động của xe, bảo vệ các bộ phận trước sự mòn và hư hỏng do sử dụng lâu dài. Nếu không thay thế đúng lịch trình, các chất lỏng có thể mất tính năng bôi trơn, dẫn đến ma sát tăng cao, nhiệt độ không ổn định và thậm chí làm giảm hiệu suất hoạt động của xe.

 

Việc thay thế đúng đắn không chỉ giúp tiết kiệm chi phí sửa chữa trong tương lai mà còn đảm bảo an toàn và độ bền của xe hơi. Do đó, để bảo vệ và duy trì chiếc xe của mình trong tình trạng tốt nhất, việc nhắc nhở và thực hiện thay thế định kỳ các loại chất lỏng là rất cần thiết và không nên bị xem nhẹ.

3. Các loại chất lỏng chính cần được thay thế định kỳ

Có 6 loại dung dịch, chất lỏng chính trên ôtô, bao gồm dầu nhớt động cơ, dầu hộp số, dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước làm mát và nước rửa kính. Đây là những loại dung dịch không thể dùng vĩnh viễn, mà có độ hao mòn tự nhiên trong quá trình sử dụng.

3.1 Dầu động cơ

Dầu động cơ là chất lỏng quan trọng nhất cần được thay thế định kỳ. Nó có chức năng bôi trơn các bộ phận bên trong động cơ, giảm ma sát và mài mòn. Ngoài ra dầu nhớt còn có chức năng làm sạch, ngăn ngừa ăn mòn và hỗ trợ tản nhiệt cho động cơ. Do đó, đây là một trong những loại dung dịch quan trọng nhất trên ôtô, phải được thay thế định kỳ theo sách hướng dẫn của nhà sản xuất, thông thường là mỗi 5.000-10.000 km, hoặc mỗi 3 tháng tùy vào dòng xe.

Nếu không thay thế định kỳ, dầu nhớt sẽ bay hơi, hao mòn, cô đặc vì trộn bụi kim loại, muội than, kết quả là động cơ thiếu bôi trơn, gây hư hại hoặc thậm chí là bó máy vì quá nhiệt nếu dầu ở mức quá thấp, động cơ hoạt động cường độ cao.

Đa số các xe hiện nay đều có đèn cảnh báo khi xe thiếu dầu nhớt động cơ. Những dấu hiệu để nhận biết động cơ thiếu dầu khác bao gồm tiếng động lạ từ khoang động cơ khi hoạt động, mùi khét do dầu cháy vì quá nhiệt, mức dầu thấp, dầu loãng, có màu đen khi kiểm tra bằng que thăm dầu.

 

3.2 Dầu phanh

Hệ thống phanh sẽ không thể hoạt động nếu thiếu dầu phanh. Khi tài xế nhấn bàn đạp phanh, lực sẽ chuyển thành áp suất nén dầu phanh lại, sau đó áp suất này được truyền đến piston phanh, tạo ra lực kẹp đĩa phanh để xe giảm tốc độ.

Các xe hiện nay đa số đều có cách để tài xế kiểm tra lượng dầu phanh có đủ hay không, thông thường ở khoang máy. Nếu dầu phanh quá thấp tài xế có thể mua cùng loại (thông tin này có trong sổ hướng dẫn sử dụng xe) để châm thêm. Các chuyên gia cho rằng dầu phanh nên được thay thế mỗi 2 năm hoặc 50.000 km.

Các dấu hiệu cho thấy xe đang thiếu dầu phanh hoặc cần kiểm tra, thay thế bao gồm bàn đạp phanh không còn độ nhạy như trước, bàn đạp bị rung khi nhấn, có tiếng động lạ khi phanh, màu dầu phanh thay đổi, xe khi phanh bị xỉa về bên trái hoặc phải do lực phanh không đều.

3.3 Dầu trợ lực lái

Đối với những xe có hệ thống trợ lực lái thủy lực, dầu trợ lực lái giúp tài xế xoay trở vô-lăng nhẹ nhàng và dễ dàng hơn, qua đó giúp tăng cảm giác lái và độ an toàn cho xe. Dầu trợ lực lái không hao mòn nhanh, do đó thời gian thay thế sẽ lâu hơn các loại dung dịch khác trên xe. Thông thường nên thay dầu trợ lực lái mỗi 60.000-80.000 km.

Khi dầu trợ lực thái cần thay thế, xe thường có những biểu hiện như vô-lăng khó xoay trở, cần nhiều lực để xoay hoặc có tiếng động lạ khi chuyển hướng.

3.4 Nước làm mát

Nước làm mát giúp động cơ xe không bị quá nhiệt khi hoạt động, giúp kéo dài tuổi thọ của động cơ và các chi tiết máy móc khác bằng cách giữ nhiệt độ luôn ở mức ổn định. Khi xe thiếu nước làm mát, động cơ xe nóng nhanh hơn, thường được thể hiện qua màn hình lái của xe. Thông thường nhiệt độ tối ưu khi xe hoạt động trong khoảng 75-105 độ C.

Khi xe thiếu nước làm mát, tài xế có thể tự châm thêm đúng loại có ghi rõ trong sổ hướng dẫn sử dụng, lưu ý thực hiện khi máy nguội vì lúc động cơ nóng, mở nắp nước làm mát ra sẽ khiến nước lúc này đang sôi bắn vào người gây bỏng. Ngoài ra nước làm mát nên được thay thế mới hoàn toàn mỗi 50.000 km hoặc 3 năm, tùy vào loại xe và hãng sản xuất.

Nước làm mát được sử dụng trong một hệ tuần hoàn kín, bởi vậy lượng nước mất đi do bay hơi hoặc thẩm thấu tự nhiên là rất thấp. Nếu xe bị thiếu nước làm mát, bên cạnh châm thêm nước cần kiểm tra hệ thống để xác định nước bị thất thoát bằng đường nào, như rò rỉ ống dẫn, két nước hay rơi vào buồng đốt.

 

3.5 Nước rửa kính

Nước rửa kính quan trọng trong việc đảm bảo kính chắn gió của xe luôn sạch sẽ trong bất kỳ điều kiện nào. Thiếu nước rửa kính, cần gạt nước không còn hoạt động trơn tru, và không còn tác dụng gạt sạch mọi chất bẩn trên kính chắn gió.

Thông thường tài xế có thể nhận biết thiếu nước rửa kính qua màn hình lái trong xe. Việc châm nước rửa kính cũng rất đơn giản, có thể thực hiện tại nhà. Chỉ cần đổ dung dịch nước rửa kính vào họng dẫn, thường nằm ở trong khoang máy. Lưu ý không nên sử dụng nước lã hoặc tự pha xà phòng, nước rửa bát để thay thế cho dung dịch vệ sinh kính chuyên dụng, vì có thể làm tắc vòi phun, hoặc lão hóa cao su, bề mặt kính.

3.6 Dầu hộp số

Dầu hộp số dùng để bôi trơn và bảo vệ các chi tiết chuyển động bên trong hộp số. Vì hộp số không hoạt động nặng như động cơ, nên một số nhà sản xuất có cam kết dầu hộp số từ nhà máy có thể hoạt động đến hết vòng đời của xe. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo dầu hộp số sẽ xuống cấp theo thời gian, do đó cần nên thay khi đã tới hạn để giúp hộp số hoạt động trơn tru và bền bỉ hơn. Thông thường dầu hộp số nên được thay mỗi 30.000-60.000 km sau khi sử dụng.

Các dấu hiệu để tài xế nhận biết cần nên thay dầu hộp số bao gồm xe chậm chuyển số khi tăng tốc hoặc giảm tốc, bị "kẹt" hoặc "trượt" số, có tiếng động lạ khi thao tác chuyển số, xe bị giật về phía trước khi tăng ga. Việc thay dầu hộp số nên được thực hiện ở các cơ sở bảo dưỡng chính hãng

 

Việc kiểm tra và bảo dưỡng các loại chất lỏng trên ô tô định kỳ không chỉ giúp duy trì hiệu suất hoạt động của xe mà còn đảm bảo an toàn cho bạn và người tham gia giao thông. Hãy luôn tuân thủ lịch bảo dưỡng và thay thế chất lỏng theo khuyến nghị của nhà sản xuất để chiếc xe của bạn luôn trong tình trạng tốt nhất. Thêm vào đó, chủ xe cần nắm rõ 6 loại chất lỏng cần thay trong ô tô để có phương án bổ sung vào thời điểm thích hợp tránh gặp rắc rối khi xảy ra sự cố.

 

--------------------------------------------------------------------

Liên hệ: 0981.125.189 (0765.251.789)

Facebook: https://www.facebook.com/Gartzvietnam

Email: gartzvn@gmail.com

Địa chỉ: Số 64 đường D9 Khu Manhattan, Dự án KDC & Công viên Phước Thiện, Long Bình, Tp.Thủ Đức

#GartzVietNam #ChatLuongLamNenThuongHieu #DauNhotDongCo #HopSo #ChamSocXe

Chia sẻ: